Khafra trong truyền thuyết Hy Lạp cổ đại Khafre

Bức tượng của pharaon Khafre, có thể có nguồn gốc từ Memphis, ngày nay nằm tại Bảo tàng Ai Cập.

Sử gia Manetho đã gọi Khafra là vua "Sûphis II" và ghi lại rằng ông đã cai trị suốt 66 năm, tuy vậy ông ta cũng không ghi lại bất cứ lời bình luận nào khác về ông[9][10][11][12].

Các sử gia Hy Lạp cổ đại khác như DiodorosHerodotos thì lại mô tả Khafra như là một bạo chúa độc ác và dị giáo. Họ đã ghi lại rằng Khafra (được họ gọi là "Khêphren" để nhằm nhại lại tên của Khafra) đã kế vị vua cha là Khêops, sau khi vị vua bạo ngược này qua đời. Sau đó, Herodotos và Diodor còn nói rằng Khafra đã cai trị trong 56 năm và người Ai Cập đã phải chịu đựng sự đau khổ dưới triều đại của ông giống như dưới thời của cha ông trước đây. Bởi vì Khufu được cho là đã cai trị trong 50 năm, họ đã ghi lại rằng người Ai Cập đã phải chịu đựng sự đau khổ dưới triều đại của hai vị vua này trong suốt 106 năm[9][10][11]

Tiếp đó, họ còn ghi lại rằng vua Menkaura (được họ gọi là "Mykerînós") là người đã kế vị Khafra và vị vua này lại là một người hoàn toàn đối lập so với hai vị tiên vương: Herodotos ghi rằng Menkaura đã buồn phiền và thất vọng về sự tàn ác của Khufu cùng Khafra, vì thế Menkaura đã khôi phục lại sự yên bình cho Ai Cập[9][10][11].

Ngày nay các nhà Ai cập học hiện đại coi những câu chuyện của Herodotos và Diodoros là một sự bôi nhọ, dựa trên quan điểm triết học đương thời của cả hai tác giả. Những lăng mộ khổng lồ như các kim tự tháp ở Giza đã khiến cho người Hy Lạp và các tư tế của thời kỳ Tân vương quốc sau này phải choáng ngợp bởi vì họ chắc chắn vẫn còn nhớ đến vị pharaon Akhenaten và các công trình xây dựng đầy tham vọng của ông ta. Quan điểm này có thể được thúc đẩy bởi sự thật đó là, vào thời điểm Khafra sống, chỉ có nhà vua mới có quyền tạo ra những bức tượng khổng lồ bằng đá quý và trưng bày chúng tại những địa điểm công cộng một cách công khai. Còn tại thời điểm các tác giả Hy Lạp và những vị tư tế này sống, họ không thể giải thích được tại sao các công trình và những bức tượng của Khafra lại ấn tượng đến như vậy, cách giải thích tốt nhất đó là do một vị vua mắc chứng hoang tưởng tự đại tạo nên. Những quan điểm này sau đó đã được các nhà sử học Hy Lạp thu nhận và do đó họ cũng đánh giá tiêu cực về Khafra, bởi vì những câu chuyện xấu xa dễ dàng được công chúng tiếp nhận hơn là những câu chuyện mang tính tích cực (và do đó rất nhàm chán) [9][10][11][12].